Tập trung bảo đảm nguồn cung mặt hàng thiết yếu trong các dịp cao điểm lễ, Tết

CREATOR: gd-jpeg v1.0 (using IJG JPEG v62), quality = 95

Tập trung bảo đảm nguồn cung mặt hàng thiết yếu trong các dịp cao điểm lễ, Tết

Trong các tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
 
Tập trung bảo đảm nguồn cung mặt hàng thiết yếu trong các dịp cao điểm lễ, Tết
 

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, thị trường hàng hóa tháng 10 không có biến động bất thường, riêng mặt hàng rau xanh do đang trong giai đoạn chuyển vụ chuẩn bị cho rau vụ Đông và do thiệt hại sau mưa bão nên nguồn cung giảm, giá rau xanh tại các tỉnh phía Bắc đã ở mức cao trong giai đoạn đầu tháng, từ cuối tháng, nguồn cung được cải thiện nên giá đã giảm dần. Các mặt hàng thiết yếu khác, nguồn cung ổn định nên giá không có biến động lớn, một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá biến động theo giá thế giới như xăng dầu, LPG.

 

Trong quý I/2024, thị trường chủ yếu tập trung cho công tác phục vụ Tết, với việc chỉ đạo sớm của Chính phủ, các Bộ, địa phương và việc triển khai tích cực việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường của các doanh nghiệp, thị trường hàng hóa luôn được bình ổn, nguồn cung hàng hóa Tết đáp ứng tốt nhu cầu tăng và đa dạng của người dân.

 

Sang quý II/2024, thị trường tập trung cho việc cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu luôn được bảo đảm, giá tương đối bình ổn, riêng mặt hàng thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung giảm trong một số giai đoạn, giá có biến động tăng, tuy nhiên, do có nhiều mặt hàng thực phẩm thay thế nên giá thịt lợn không tăng đột biến.

 

Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong quý III/2024, một số địa phương ở phía Bắc bị ảnh hưởng của bão, lũ (cơn bão số 3) gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhiều cơ sở hạ tầng thương mại bị hư hỏng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn bão, lũ, do có sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của Chính phủ, các Bộ, địa phương nên việc cung ứng hàng hóa bảo đảm đời sống cho người dân được thực hiện khá tốt.

 

Bên cạnh đó, các hoạt động thiện nguyện cũng hỗ trợ tích cực cho công tác cung cấp hàng hóa cho người dân tại các khu vực bị chia cắt. Sau bão, các địa phương đã nhanh chóng sửa chữa, khôi phục lại hoạt động kinh doanh.

 

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, ngày 27/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về kích cầu tiêu dùng. Thực hiện Chỉ thị nêu trên, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ giải pháp được giao nhằm hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong nước và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024.

 

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 10/2024 ước đạt 545,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,0% và nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 21,4%.

 

Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,3%).

 

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2024 ước đạt 4.048,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,0%; may mặc tăng 8,7%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,6%. Trong đó, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 9,6%; Hải Phòng tăng 9,5%; Thừa Thiên – Huế tăng 8,1%; Cần Thơ tăng 7,6%; Đà Nẵng tăng 7,5%.

 

Bộ Công Thương nhận định, các số liệu vĩ mô trong những tháng gần đây về tăng trưởng GDP, về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), về chỉ số quản trị mua hàng (PMI), về đơn hàng xuất khẩu, FDI giải ngân,… đã cho thấy bức tranh xuất khẩu khả quan trong những tháng cuối năm 2024.

 

Cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm tận dụng đà tăng trưởng xuất khẩu trong quý cuối của năm với lợi thế về thị trường, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong khi, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cuối năm có xu hướng tăng nhằm đáp ứng tiêu dùng dịp lễ Tết, đặc biệt nhu cầu đối với nhóm hàng may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản…

 

Tập trung gỡ khó, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão

 

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm cùng còn nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề… làm tốc độ phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại; giá cước vận tải biển chưa có xu hướng hạ nhiệt; những tác động tiêu cực do các cơn bão số 3 và số 6 gây ra sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại của nước ta trong thời gian tới.

 

Bên cạnh đó, sức cầu tiêu dùng phục hồi chậm, có xu hướng chậm dần cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng (nếu loại trừ yếu tố giá) chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ, lần đầu tiên xuống dưới 5%, thấp nhất từ đầu năm đến nay và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019).

 

Theo đó, để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, cụ thể:

 

Tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là tập những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của các cơn bão, đặc biệt là cơn bão số 3 và số 6 để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

 

Phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

 

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

 

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng. Triển khai Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… nhằm bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Theo tapchicongthuong.vn

1 Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*